Monday, April 30, 2012

Muoi nam mot the he K

Kinh Doanh | when does summer school start | am thuc hue | cong ty seo | quang cao web |

Chiến tranh không phải trò đùa, càng không phải cơ hội cho ai đó làm dáng trong mắt thiếu nữ! Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đã nhìn chiến tranh biên giới Tây Nam như nó vốn có, bằng đôi mắt người lính, không tô vẽ. Đó là văn học đích thực.
Thống nhất đất nước chưa được bao lâu thì năm 1977 lại nổ ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam do quân Pôn Pốt gây hấn, hàng trăm ngàn người lính tình nguyện Việt Nam đã đồng cam cộng khổ với quân đội, nhân dân Campuchia quét sạch quân Pôn Pốt. Tôi và nhà thơ Phạm Sỹ Sáu là những người lính một thời binh lửa ấy.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu nhập ngũ tháng 12.1977, tôi (tác giả bài này) nhập ngũ tháng 4.1981; một ở Quân khu 7, một ở Quân khu 5. Thời đó, nhập ngũ trước một năm đã là "đàn anh" lắm rồi. 25 năm sau cuộc chiến của "thế hệ K", tôi mới gặp anh, tại Pleiku, tác giả của những bài thơ nổi tiếng về "lính K" mà thời đó, người lính ở "bên nhà" đang thao luyện hay người lính bên kia biên giới ít nhiều đều thuộc, thuộc giản dị vì nó đau đáu nỗi lòng người lính ở rừng: "...Mai mày về, bình yên trong giấc ngủ/ Có nhớ bạn bè biên giới ướt sương đêm/ Có nhớ tụi tao khát khao được hôn lên mái tóc mềm/ Của con gái một thời thương nhớ nhất" ("Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ").

Thời chúng tôi chưa có Luật Nghĩa vụ quân sự (tháng 12.1981 mới chính thức ban hành - PV). May mắn lập công được mấy ngày phép đã là "ghê" lắm, huống gì ra quân - phục viên - xuất ngũ... Bạn về thì mừng cho bạn, mà cũng có phần tủi thân cho mình. Nên mới "Mày về mùa mưa quần áo không lấm lem bùn đất/ Dép sabô gõ trên phố chiều vàng/ Quen tính hay đi mày cưỡi xe đạp lang thang/ Có nhớ tụi tao cởi trần đi phục". Hay "Gặp cô gái nào mày thấy dễ thương/ Hãy chào giùm tao nụ cười mong nhớ...".

Có người bảo thơ Phạm Sỹ Sáu ít tính nghệ thuật; Sáu chỉ bảo hãy đọc thơ anh "bằng tâm hồn người lính". Lứa tân binh chúng tôi thuở ấy ít học. Cả tiểu đoàn chỉ có một anh học dở lớp 12, lác đác mấy anh lớp 9, lớp 10 đã được coi là ... "trí thức"; nhiều anh mù chữ. Thơ của Sáu hàng trăm bài - hầu hết về "thế hệ K", chiến trường K, cũng hầu hết không cầu kỳ, không bóng bẩy, không "chơi chữ" như nhan nhản những nhà thơ "tên tuổi" mà vô tích sự hiện nay, mà vẫn đi vào lòng hàng trăm ngàn người lính cùng thế hệ, để mà "trụ được" trong năm tháng khắc nghiệt. Thơ Sáu không phân biệt cấp trên - cấp dưới, không sĩ quan - lính tráng, chỉ có tình đồng đội, với tất cả những cay cực, nghiệt ngã, hiểm nguy cùng nếm trải; mà bật lên tất thảy nỗi lòng, nỗi niềm của đồng đội khi ngày ngày cận kề cái khát và cái chết.

Phạm Sỹ Sáu là người viết khỏe, viết nhiều mà ít... "lên gân chính trị". Nhiều bài lại rất đỗi dịu dàng. Riêng tôi rất thích bài "Điểm danh đồng đội": "Hãy sắp hàng vào cho tao điểm danh/ Những thằng lính ở miền xa rất trẻ/ Hãy sắp hàng vào để nghe tao kể/ Chuyện đánh nhau và chuyện... yêu nhau(...) Khi ở Sài Gòn bọn đỏ đen bày trò ăn thua đủ/ Thì tụi mình nhịn khát... hành quân". Lại có những bài lạc quan một cách... "khí thế" của một bài hịch: "Tráng sĩ không bơi qua sông/Tráng sĩ đi bằng đường không/Tráng sĩ đi bằng xe khách/Tráng sĩ lên đường lòng hề mênh mông, mênh mông(...).

Tôi thích đoạn bình của Nguyễn Hoàng Sơn: "Chiến tranh không phải trò đùa, càng không phải cơ hội cho ai đó làm dáng trong mắt thiếu nữ! Phạm Sỹ Sáu(...) đã nhìn chiến tranh biên giới Tây Nam như nó vốn có, bằng đôi mắt người lính, không tô vẽ. Đó là văn học đích thực, điều cần phải khẳng định trước khi đưa ra những đòi hỏi duy mỹ mang màu sắc kinh viện"- "mà vô bổ, phù phiếm" - tôi muốn thêm vào.

Nhiều năm sau nhìn lại, Phạm Sỹ Sáu bảo: "Ít nhiều thì đó cũng là một thế hệ cầm súng bị lãng quên" mà anh đã gửi gắm ít nhiều trong "Tự thú trước đền Angkor", hay "Thơ tặng chiến sĩ vô danh"- viết sau khi cuộc chiến đã kết thúc: "Cuộc chiến tranh đã đi qua/ Sau những hội hè lễ đón/ Thiên hạ cứ yên tâm đã làm trọn/ Những gì đã làm đối với người lính tình nguyện Việt Nam".

Đây lại là những nỗi niềm khác, vận vào 25 năm sau cuộc chiến, khi ngày ngày đối mặt với nghiệt ngã đời thường. Những vần thơ ở rừng K, may thay, vẫn còn đọng đâu đó trong tim của của thế hệ một thời, giờ đã trung niên, lính "thế hệ K". Cũng là một cách lưu giữ lịch sử vậy.

Phạm Sỹ Sáu sinh năm 1956 tại Đà Nẵng; lớn lên ở Sài Gòn; Anh nhập ngũ khi đang học dở dang Đại học Khoa học Sài Gòn; phục viên năm 1988.

Hiện công tác tại Nhà xuất bản Trẻ; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Đã xuất bản 8 tập thơ, gồm: Hãy mở lòng ra mùa thu tới; Khúc ca vào chiến dịch; Điểm danh đồng đội; Ra đi từ thành phố; Chia tay cửa rừng; Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ; Khúc ca đồng đội; Phạm Sỹ Sáu - Thơ với tuổi thơ.

Có nhiều giải thưởng trong nước và Giải thưởng văn học Mêkông...

Theo www.baomoi.com